Câu chuyện cách làm cây trái phát triển

Hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu chuyện về cách làm cho cây trái phát triển. Bạn không đọc nhầm đâu, tuy không phải là nghiên cứu sinh về nông lâm, nhưng tôi nghiên cứu về tâm lý con người, mà tôi thấy mẹ thiên nhiên thật thú vị khi những quy luật tự nhiên tưởng như chẳng liên quan đến con người, lại liên quan một cách không tưởng.

Câu chuyện như sau:
Có 1 anh chàng người Anh tên Ken, đến New Zealand và xin làm trong nông trại. Ngày đầu, Ken được ông chủ đưa cho 1 cây gậy và giao cho nhiệm vụ “make the tree grow” (tức là làm cho cái cây lớn lên). Anh chàng ngẩn tò te, cứ cầm cây gậy đi quanh trang trại. Làm thế quái nào mà có thể làm cái cây lớn bằng cái gậy này chứ? Liệu có phải đây là câu nói đùa kiểu Kiwi mà anh không hiểu?

Sau một hồi suy nghĩ không thông, anh chàng đến tìm gặp một người đã làm ở trang trại một thời gian, và hỏi
“Anh có thể chỉ cho tôi cách làm cho cây lớn lên bằng cây gậy này không?”
Anh bạn nhìn Ken và cười. Anh đưa Ken đến trước một thân cây đã bị cưa. Ở vết cắt của cây có nhiều đường vân.
“Anh có biết những vân tròn này là gì không?”
Ken đáp:
“Tôi biết chứ, mỗi vân tượng trưng cho 1 năm tuổi thọ của cây.”
Anh bạn trả lời:
“Gần đúng, nhưng không hẳn. Mỗi vân là biểu tượng của một mùa tăng trưởng.” Rồi anh giải thích thêm:
“Ở New Zealand, chúng ta biết rằng mùa hè rất ấm và khô, và mùa đông đôi khi có thể rất khắc nghiệt. Vì vậy, những gì một cây sẽ trải qua từ mùa hè sang mùa đông, và mùa đông đến mùa hè giống như một mùa khủng hoảng của cây. Vì vậy, cây mọc thêm một lớp vỏ ngoài.”
Thật là thú vị.
Nhưng, Ken vẫn không hiểu, điều này liên quan gì đến chiếc gậy?
Anh bạn tiếp tục hỏi Ken:
”Anh có biết chỗ nào của thân cây có sự sống không?”
Ken đáp “Tôi đoán ở tâm của cây?”
Anh bạn lắc đầu
“Thực sự nó nằm ở lớp vỏ ngoài cùng của thân cây, và lớp gỗ ở bên trong thực ra là gỗ chết. Lớp vỏ ngoài cùng là nơi tập trung của sự sống, sự tăng trưởng của cây.”
“Bằng cách đi quanh thân cây và đánh vào vỏ ngoài của phần dưới cây trong khoảng nửa tiếng, anh có thể làm cái cây lớn lên.”
Ken ngạc nhiên.
“Vì sao đánh vào một cái cây lại làm nó lớn lên?” Điều này có vẻ vô lý.
Anh bạn tiếp tục giải thích.
“Khi anh đánh vào lớp vỏ, cây sẽ nhận tín hiệu như một cuộc khủng hoảng đang đến, giống như những cơn bão táp đầu mùa đông sập tới. Bởi vậy, rễ cây có tín hiệu tập trung việc hút và hấp thụ tất cả các chất dinh dưỡng từ mặt đất và nước và nhiều hơn bình thường để chuẩn bị phát triển thêm một lớp vỏ cây nữa. Đó là cách làm cho cây lớn.”

Đôi khi nguyên tắc này có thể được áp dụng cho con người. Nếu mỗi lần con người phải trải qua một sóng gió trong cuộc sống, cũng giống như một mùa khủng hoảng của cái cây, và chúng ta sẽ trưởng thành, phát triển và mạnh mẽ hơn, chúng ta sẽ không còn là chúng ta lúc ban đầu nữa.

Bởi vậy, những đường vân trên cây không chỉ là tuổi mà còn là hiện thân của sự trưởng thành. Cây càng trưởng thành thì càng có khả năng vượt qua giông bão, và con người cũng vậy phải không?

Tôi còn nhớ lời của một người thầy tôi rất yêu quý. Thầy nói “Những ai học tập và lập nghiệp ở xa nhà sẽ có nhiều khả năng thành công hơn những người từ bé đến lúc trưởng thành chỉ ở nhà với gia đình.”

Điều này phải chăng cũng giống như thông điệp về cách làm cho cây phát triển? Khi đi xa nhà, các bạn phải đối mặt với những mùa khủng hoảng sớm hơn, vì vậy sẽ phát triển, trưởng thành nhanh hơn?

Khi tôi nói chuyện với cô hiệu trưởng một trường cấp ba ở New Zealand, nơi có năm bạn học sinh Việt Nam đang theo học. Tôi có hỏi cô về sự phát triển của các em sau 1 kỳ học ở đây. Cô có nói với tôi “Lúc đầu, các em học sinh Việt Nam thường khá “quiet” (ít nói). Các em không phát biểu nhiều, hỏi gì đáp nấy. Nhưng sau vài tháng học, cô rất ngạc nhiên về sự thay đổi nhanh chóng của các em. Các em trở nên tự tin giao tiếp, năng nổ nhận các nhiệm vụ trong lớp, trong trường, và cách nói chuyện, đặt câu hỏi vô cùng thông minh, sắc sảo”. Tôi cũng nhận thấy điều tương tự khi khá thân thiết với hai em học sinh sang đây học từ lớp 10. Cách các em nói chuyện bằng tiếng Anh rất tự tin, thành thạo, phân tích vấn đề logic, khiến tôi không thể tin đây là những em học sinh mới 16 tuổi. Các em còn biết nấu một số món ăn, biết tự quản lý chi tiêu, nghĩ đến việc xin đi làm thêm để có kinh nghiệm, biết các kỹ năng sinh tồn. Tôi trộm nghĩ có lẽ nếu cuộc đời trôi dạt thì đến đâu các em này cũng tìm cách để thích nghi được.

Hai năm trước, tôi cũng đã trải qua “mùa khủng hoảng” của mình khi sang New Zealand du học. Được nhắc đến là một đất nước vô cùng thân thiện, yên bình, tuy nhiên lần đầu sống xa nhà cũng khiến tôi có nhiều va chạm với nhiều người hơn. Bên cạnh đó, tự thấy những điều tưởng chừng như hiển nhiên lại không hề hiển nhiên ở đây (từ việc trăng khuyết ngược chiều với trăng ở Việt Nam, đến việc quan niệm về cuộc sống, điều gì là quan trọng, rất khác với dân ta), từ đó tôi cố gắng suy nghĩ một vấn đề dưới nhiều góc độ hơn, và bỏ cái thói khăng khăng rằng mình đúng hơn người khác. Bên cạnh đó, cuộc sống bận rộn khiến tôi quý thời gian hơn và luôn suy nghĩ đến việc những gì là công việc ưu tiên phải được hoàn thành. Cuối năm đó, tôi trở về Việt Nam để thăm gia đình, mọi người đều nói với tôi rằng tôi đã thay đổi quá, mới một năm mà trưởng thành, chín chắn hẳn.

Một cái cây đại thụ phải trải qua nhiều mùa khủng hoảng để trở nên vững chãi, và cuộc đời con người cũng vậy. Mong những bạn đang trải qua mùa khủng hoảng của mình sẽ vững tin rằng sau mùa khủng hoảng, bạn sẽ update thành một phiên bản mới tốt hơn.